Bạn đang ở: Home Hoạt động bệnh viện Xu hướng trong chủng ngừa, điều trị hội chứng mạch vành cấp ở người cao tuổi và can thiệp sang thương thân chung động mạch vành trái
Những xu hướng mới trong chủng ngừa ở thế kỷ 21; Cập nhật chẩn đoán và điều trị hội chứng mạch vành cấp ở người cao tuổi; Can thiệp sang thương thân chung động mạch vành trái cùng hàng loạt các nghiên cứu về thay khớp háng nhân tạo bán phần và toàn phần không xi măng, can thiệp nội mạch điều trị bệnh động mạch chi dưới mạn tính… là những vấn đề được các chuyên gia bàn luận trong Phiên toàn thể của Hội nghị Khoa học kỹ thuật 2023 do Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức.
Hội nghị được tổ chức vào ngày 24/8/2023 vừa qua đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Bệnh viện Nguyễn Trãi ghi nhận người tham dự trên 1.000. Trong 40 bài báo cáo chất lượng từ các chuyên gia, giảng viên xuyên suốt trên 5 phiên (từ Nội khoa, Ngoại Khoa, Điều dưỡng), phiên Toàn thể với 8 bài báo cáo đề cập đến các vấn đề sức khỏe nổi trội cũng như là thế mạnh, mũi nhọn mà bệnh viện hướng đến trong năm 2023.
Trong bài báo cáo “Chủng ngừa cho cả gia đình” - PGS.TS.BS Phạm Lê An - Chủ tịch Hội Bác sĩ gia đình TPHCM, Trưởng Trung tâm Bác sĩ gia đình - Trường Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, việc chủng ngừa cho trẻ em đã mang lại những giá trị ngoạn mục, hằng năm giúp dự phòng 3 triệu ca tử vong và 750.000 trẻ không bị tàn phế. Cho đến nay đã có 26 bệnh được dự phòng bởi thuốc tiêm chủng.
Tuy vậy, chuyên gia nêu lên thực tế, chủng ngừa trên toàn thế giới nhằm vào trẻ em, song điều này chưa hoàn toàn kiểm soát được các bệnh phòng được bằng vắc xin ở vị thành niên và người lớn ngay cả khi đạt tỷ lệ bao phủ cao ở trẻ em. Do vậy, trong thế kỷ 21, khuynh hướng chủng ngừa cổ điển chỉ ở trẻ em đã phát triển rộng thành chủng ngừa cho mọi lứa tuổi như vị thành niên, thai kỳ, người cao tuổi, nhóm bệnh mãn tính…
Xu hướng mới trong tiêm ngừa cũng được PGS.TS.BS Phạm Lê An đề cập. Hiện nay vắc xin đã gộp nhiều thành phần trong 1 sản phẩm để bảo vệ được nhiều bệnh hoặc nhiều chủng vi sinh vật của một bệnh, giúp giảm số mũi tiêm vắc xin và bổ sung nhanh số mũi vắc xin đối với những trẻ chủng ngừa muộn.
Trong khi đó, chủng ngừa ở trẻ em đã có sự khởi đầu của vắc xin viêm gan siêu vi A, B; vắc xin Hib; vắc xin bại liệt chuyển từ dạng uống (OPV) sang dạng tiêm (IPV); các dạng vắc xin liên hợp mới (viêm màng não pneumococcal và group C), đồng thời các nhà sản sản xuất lớn đã phát triển các loại vắc xin đa giá 5 trong 1 đến 6 trong 1. Ngoài ra, theo khuyến cáo của WHO (2019) cũng cho thấy, cần tiêm bổ sung DTwP/DtaP & Tdap/Td trong trường hợp bị trì hoãn.
Việc thay thế vắc xin (vài thuốc chủng ngừa từ các nhà sản xuất khác nhau nhằm bảo vệ cùng một tác nhân) cũng rất cần thiết khi có sự thiếu hụt (như HepB và Hib). Chuyên gia lấy ví dụ thực tế như thuốc chủng kết hợp với thành phần kháng nguyên cùng một nhà sản xuất (như DTaP, DtaP-Hib, hay các DtaP khác trong các vắc xin kết hợp có chứa cùng kháng nguyên vô bào ho gà từ cùng một nhà sản xuất) có thể sử dụng thay thế cho nhau.
Cuối cùng PGS.TS.BS Phạm Lê An lưu ý, không sử dụng vắc xin với khoảng cách ít hơn thời gian tối thiểu quy định hay sử dụng sớm hơn tuổi đề nghị. Liều vắc xin được cho sớm ≤ 4 ngày so với khoảng cách tối thiểu hay với tuổi quy định có thể được tính là liều hợp lệ, nhưng nguyên tắc này không được áp dụng cho vắc xin sống. Tăng khoảng cách giữa các liều với vắc xin cần nhiều liều tiêm không làm giảm tính hiệu quả của vắc xin và không tiêm lại từ đầu nếu bỏ sót.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân - Trưởng Bộ môn Lão khoa, khoa Y Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho rằng, việc điều trị hội chứng mạch vành cấp trên người cao tuổi gặp rất nhiều thách thức, bởi sự lão hóa của hệ thống tim mạch, đối diện với hội chứng lão khoa, tình trạng suy yếu, gánh nặng bệnh đồng mắc. Khi đó, việc điều trị sẽ cân nhắc dựa trên lợi ích và nguy cơ, trong đó nguy cơ của người cao tuổi là huyết khối và chảy máu.
Do vậy, chuyên gia đánh giá phác đồ tối ưu cho bệnh nhân đóng vai trò quan trọng. Theo đó, tiếp cận ban đầu trong hội chứng mạch vành cấp cần dựa trên lâm sàng, ECG, men tim (hs-cTn) và phân tầng nguy cơ, từ đó có chiến lược điều trị hợp lý.
Về tiếp cận điều trị, các khuyến cáo hiện nay đều cho thấy, hội chứng mạch vành cấp có ST chênh lên, không dựa vào tuổi mà hạn chế vấn đề điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân, thay vào đó sẽ điều trị tương tự như bệnh nhân không có ST chênh lên. Tuy nhiên, phải xem xét các khía cạnh để ngăn ngừa dự phòng nguy cơ có thể gặp.
Trong khi đó, hội chứng mạch vành cấp không ST chênh lên áp dụng chiến lược tiếp cận người cao tuổi tương tự như bệnh nhân không cao tuổi. Song, tuổi càng cao càng làm gia tăng nguy cơ tử vong, do đó chiến lược điều trị tái tưới máu sớm cho bệnh nhân hay trì hoãn phụ thuộc vào việc phân tầng nguy cơ. Nếu nguy cơ rất cao, cần tái tưới máu trong vòng 2 giờ. Nguy cơ cao trung bình tái tưới máu trong vòng 24 giờ. Nguy cơ thấp hơn, trì hoãn.
Chuyên gia cũng luu ý, cần xem xét tình trạng suy yếu của bệnh nhân lớn tuổi, nếu có cần phải đặt lên bàn cân giữa lợi ích và nguy cơ, để đưa ra chiến lược phù hợp. Hiện có rất nhiều thang điểm để phân tầng nguy cơ chảy máu trên người lớn tuổi, nhưng gần đây ARC - HBR (2019) được đồng thuận nhất.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân đề cập thêm, chiến lược điều trị tái tưới máu bằng can thiệp hay phẫu thuật bắc cầu phụ thuộc vào đặc điểm của bệnh nhân, giải phẫu mạch vành, nguyện vọng của bệnh nhân. Nếu chọn lựa chiến lược can thiệp, khuyến cáo là phụ thuộc bối cảnh lâm sàng, loại tổn thương, tuy nhiên đa số đều là stent phủ thuốc.
Chuyên gia nói thêm, điều trị chống huyết khối (kháng đông và kháng kết tập tiểu cầu) chú ý thay đổi phác đồ trên từng trường hợp cụ thể (nội khoa, xâm lấn và/ hoặc có rung nhĩ hay không). Vấn đề quan trọng hơn là, điều trị thuốc chống huyết khối phải cân nhắc nguy cơ thiếu máu cục bộ và nguy cơ xuất huyết của bệnh nhân. Đối với người lớn tuổi sẽ ưu tiên nguy cơ xuất huyết hơn nguy cơ thiếu máu cục bộ, bởi vì nếu bệnh nhân đã xuất huyết thì không thể dùng tất cả các thuốc khác.
Với bài báo cáo “Can thiệp sang thương thân chung động mạch vành trái: Từ lý thuyết đến thực tiễn lâm sàng” - BS.CK2 Nguyễn Thái Yên - Phó khoa Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, thân chung vành trái cung cấp máu cho phần lớn cơ tim thất trái (75-100%), do vậy hẹp nặng thân chung sẽ đặt thất trái vào nguy cơ cao.
Hẹp thân chung thường có kèm theo hẹp nhiều nhánh mạch vành và hẹp thân chung đơn độc chỉ xảy ra ở 4-6%. Hẹp thân chung có thể xảy ra ở lỗ (23%), đoạn giữa (15%) và điều không may là vị trí khó nhất lại chiếm tỷ lệ hẹp nhiều nhất, đó là đoạn xa (61%). Tùy thuộc vào vị trí và mức độ hẹp, các chiến lược điều trị có thể khác nhau.
BS.CK2 Nguyễn Thái Yên khuyến nghị, đối với sang thương thân chung, khi có một hẹp thân chung ở cả 3 nhánh mạch vành thường có khuynh hướng chọn lựa phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành, trong khi nếu chỉ hẹp đơn giản ở lỗ, ở thân hoặc hẹp 1 nhánh mạch vành thường sẽ chọn lựa can thiệp mạch vành qua da.
Để có chiến lược điều trị cho bệnh nhân, Hội Tim mạch Hoa Kỳ, Hội Tim mạch châu Âu đều nhận định vai trò quan trọng của siêu âm trong lòng mạch. Qua kỹ thuật này có thể xác định được chiều dài, đường kính và vị trí, tính chất của sang thương thân chung cũng như chiến lược điều trị, tối ưu hóa kết quả điều trị sau đó.
Tuy nhiên, BS.CK2 Nguyễn Thái Yên cũng đề cập, không phải trung tâm nào cũng được trang bị siêu âm trong lòng mạch. Do vậy, mặc dù không thể thay thế cho hình ảnh siêu âm trong lòng mạch, song chuyên gia đưa ra gợi ý có thể sử dụng dấu hiệu POT - PUFF để loại trừ tình trạng stent không áp sát, với tính đặc hiệu và giá trị tiên đoán âm tính trên 90%.
Qua các nghiên cứu, chuyên gia cho biết thêm, nếu vị trí hẹp thân chung ở đoạn sau, có liên quan đến nhánh chia, trong trường hợp đơn giản sẽ sử dụng 1 stent chờ (đặt 1 stent băng qua sang thương và kiểm tra tình trạng chẹn gây mất dòng của nhánh bên, nếu có thì đặt stent thứ 2). Trong trường hợp sang thương chia đôi phức tạp, nên lựa chọn chiến lược đặt 2 stent ngay từ đầu và ưu tiên kỹ thuật DK-Crush (đây là kỹ thuật tạp bậc nhất trong tim mạch can thiệp, đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm) hoặc 2 kỹ thuật đơn giản hơn, bao gồm Culotte và TAP (T and Protrusion).
Cuối cùng, BS.CK2 Nguyễn Thái Yên nhấn mạnh, chiến lược điều trị hẹp thân chung động mạch vành trái phải được quyết định bởi một hội đồng chuyên gia gồm có bác sĩ phẫu thuật tim, nội tim mạch và tim mạch can thiệp. Qua đó đánh giá cẩn trọng dựa trên các yếu tố như bệnh nhân có khả năng tái thông hoàn toàn, tỷ lệ tử vong, nguyện vọng của gia đình…
Hội nghị Khoa học thường niên của Bệnh viện Nguyễn Trãi năm 2023 không chỉ cung cấp các kiến thức cập nhật mà còn là diễn đàn uy tín để trao đổi về hàng loạt các nghiên cứu được thực hiện ngay tại bệnh viện.
Trong phiên toàn thể, 3 nghiên cứu được trình bày với nhiều thông tin thú vị. BS.CK1 Phạm Xuân Hường - Trưởng Đơn vị Chấn thương Chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Nguyễn Trãi với nghiên cứu Bước đầu đánh giá kết quả phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bán phần và toàn phần không xi măng thực hiện trên 34 bệnh nhân, tuổi nhỏ nhất 44 tuổi, lớn nhất 86 tuổi.
Qua nghiên cứu, chuyên gia cho rằng, mặc dù phẫu thuật thay khớp háng toàn phần và bán phần không xi măng tại bệnh viện mang lại kết quả ban đầu tốt cho bệnh nhân, tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi trong thời gian dài hơn nhằm phát hiện những biến chứng có thể xảy ra muộn nhiều năm sau phẫu thuật.
Với nghiên cứu “Kết quả bước đầu can thiệp nội mạch điều trị bệnh động mạch chi dưới mạn tính ở Bệnh viện Nguyễn Trãi” - BS.CK2 Trần Ngọc Tuấn - Phó Trưởng khoa Tim mạch 1 của bệnh viện đặt vấn đề cho thấy, bệnh động mạch chi dưới mạn tính gần đây có xu hướng tăng về số lượng và mức độ phức tạp của bệnh, để lại hậu quả nặng. Can thiệp nội mạch là hướng tiếp cận mới ít xâm lấn, hiệu quả cao, thời gian điều trị ngắn, hồi phục sớm.
Nghiên cứu thực hiện trên 22 trường hợp, trong đó có các yếu tố nguy cơ, 91% tăng huyết áp, 82% đái tháo đường, 73% rối loạn lipid máu, 73% hút thuốc lá. Tỷ lệ thành công của thủ thuật là 91% (20/11), trong đó can thiệp đặt stent 82% (18/22), nong bóng đơn thuần 9% (2/22).
Qua nghiên cứu ghi nhận kết quả bước đầu cho thấy phương pháp can thiệp nội mạch an toàn và hiệu quả cao trong điều trị tổn thương động mạch chi dưới mạn tính, chưa ghi nhận các biến chứng nặng như tử vong, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, chảy máu nặng phải truyền máu.
“Nghiên cứu hiệu quả cắt bán phần cơ vòng Oddi kết hợp nong nhú vater bằng bóng trong điều trị sỏi mật tại Bệnh viện Nguyễn Trãi” từ BS.CK2 Nguyễn Đức Thông - Trưởng khoa Nội soi của bệnh viện cũng cung cấp góc nhìn khoa học hấp dẫn.
Nghiên cứu mô tả cắt ngang 38 bệnh nhân, người có trên 2 viên sỏi chiếm 35,2%, kích thước sỏi trung bình 13,39 ± 2,86mm, đường kính sỏi ống mật chủ (OMC) trung bình 16,53 ± 3,51mm, can thiệp thành công lần 1 là 89,5%, tán sỏi cơ học 10,5% và can thiệp lần 2 là 5,2%. Biến chứng viêm tụy cấp 5,2%.
BS.CK2 Nguyễn Đức Thông cho rằng, nội soi mật tụy ngược dòng kết hợp cắt bán phần cơ vòng Oddi và nong nhú Vater điều trị hiệu quả sỏi OMC lớn với tỷ lệ thành công cao, biến chứng thấp.
Nguồn từ : AloBacsi