“Chính phủ đã quy định đến năm 2016, giá dịch vụ công phải được tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã cân nhắc lộ trình để đa số người dân được hưởng lợi từ việc điều chỉnh giá này” - ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), giải thích về lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ y tế tại buổi tập huấn báo chí về công tác y tế tổ chức ngày 9-10 tại TP Hải Phòng.
Người bệnh trả lương cho nhân viên y tế
Theo ông Nguyễn Nam Liên, thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) trên toàn quốc do Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính xây dựng, sẽ ban hành vào tháng 11-2015. Theo đó, người dân có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả cùng một mức giá dịch vụ khám chữa bệnh trên toàn quốc. Giá dịch vụ này bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật).
Ông Liên khẳng định thông tư trên trước mắt chỉ áp dụng thanh toán cho bệnh nhân BHYT. Đối với người không có thẻ BHYT - chủ yếu là người lao động tự do, nông dân, diêm dân và người cận nghèo (chiếm gần 30% dân số) - vẫn áp dụng mức giá đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến tháng 3-2016, giá khám chữa bệnh bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế sẽ được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Giải thích lộ trình điều chỉnh giá, ông Liên cho biết giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn. “Tính tiền lương vào giá, hiểu đơn giản là người bệnh sẽ trả lương cho cán bộ y tế. Từ đó bắt buộc BV phải nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ mới có bệnh nhân đến khám chữa bệnh. BV nào có dịch vụ y tế không tốt, bệnh nhân không tin tưởng không đến khám, không được cơ quan bảo hiểm ký hợp đồng khám chữa bệnh thì BV đó có nguy cơ bị đóng cửa. Như vậy, kết cấu lương vào viện phí sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế” - ông Liên lập luận.
Theo Bộ Y tế, khi tính lương vào viện phí, dự kiến nguồn ngân sách khoảng 10.000 tỉ đồng sẽ được dành để hỗ trợ các đối tượng mua thẻ BHYT hoặc nâng mức hỗ trợ một số đối tượng còn khó khăn như nông - lâm - ngư - diêm dân.
Tăng thêm 20%-30%
Theo thông tư sắp ban hành, khoảng 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá, bao gồm: giá khám bệnh (theo hạng BV); giá ngày giường (theo hạng BV và chuyên khoa) và giá dịch vụ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật (áp dụng chung cho các hạng BV).
Bên cạnh đó, 26 loại hình dịch vụ y tế với hàng chục ngàn hạng mục thuộc các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu, chống độc, nội khoa, nhi khoa, ngoại lao, da liễu, tâm thần, nội tiết, ngoại khoa, bỏng, ung bướu, phụ sản, tạo hình thẩm mỹ, nội soi… được kết cấu giá theo mức phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt, loại I, II và III. Trong đó mỗi phẫu thuật loại đặc biệt “gánh” thêm khoảng 1,5 triệu đồng phụ cấp và gần 980.000 đồng tiền lương cho một kíp mổ từ 6-8 người. Cùng với đó, mức giá khám bệnh sau khi kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương đối với BV hạng đặc biệt và hạng I dự kiến 40.000 đồng/lượt, hạng II 39.000 đồng, hạng III 34.000 đồng và hạng IV 31.000 đồng. Hiện nay, mức thu tối đa tiền khám bệnh của các hạng BV này lần lượt là 20.000, 15.000, 10.000 và 7.000 đồng. Với điều chỉnh này, viện phí mới ước tính tăng khoảng 20%-30% so với giá hiện hành. Theo ông Nguyễn Nam Liên, với điều chỉnh này, quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối đến hết năm 2017.
Đồng tình với các phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng, cho rằng thông tư sắp ban hành sẽ giúp các BV tư “tiệm cận” giá dịch vụ y tế cao hơn. Các cơ sở y tế công lập ở TP Hải Phòng đang thu viện phí bằng 73% khung giá của 3/7 yếu tố. Áp khung giá này, có những BV như BV Việt Tiệp (TP Hải Phòng) có năm lỗ tới 50 tỉ đồng; càng mổ nhiều càng lỗ. Do vậy, nếu điều chỉnh giá, Hải Phòng đề xuất được thu 100% của 4/7 yếu tố. Khi có nguồn lực thì các cơ sở y tế sẽ mạnh dạn đầu tư, nâng cấp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. “Viện phí tăng nhưng người có BHYT sẽ được chi trả từ 80%-100%. Đối với người cận nghèo chưa có thẻ BHYT, Sở Y tế TP Hải Phòng đang đề xuất trích ngân sách hơn 7,2 tỉ đồng để mua thẻ BHYT cho họ” - bà Xanh thông tin thêm.
Bệnh nhân BHYT được lợi?
Theo ông Nguyễn Nam Liên, với lộ trình điều chỉnh viện phí như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm.
Các phân tích cho thấy so với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài. Còn với các đối tượng có thẻ BHYT, đồng chi trả 20%, chi phí khám chữa bệnh BHYT tuy có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều vì không phải trả thêm chi phí khi tính đúng, tính đủ viện phí.
“Mặt khác, từ ngày 1-1-2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, nếu số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Chẳng hạn, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, mức đồng chi trả quá 7 triệu đồng, người bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí cùng chi trả còn lại trong năm” - ông Liên nhấn mạnh.
Theo lộ trình, từ năm 2016, viện phí tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp; năm 2018 tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; năm 2020 tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp, quản lý và khấu hao tài sản.
Viện phí điều chỉnh theo thang điểm bệnh viện
Bộ Y tế đề xuất khi được tính đúng, tính đủ, viện phí sẽ điều chỉnh theo thang điểm của BV (gồm các tiêu chí hướng đến việc làm hài lòng bệnh nhân, công tác quản lý và chất lượng chuyên môn). Nếu chỉ đạt điểm thấp, dù là BV hạng đặc biệt hay hạng I, viện phí sẽ bị điều chỉnh giảm xuống. Ngược lại, BV hạng II, III nếu làm tốt, viện phí được tăng lên.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội):
Áp lực rất lớn
Ước tính giá dịch vụ y tế tại BV Bạch Mai nếu tính đúng, tính đủ thì tăng gấp đôi so với hiện nay. Đơn cử, chạy thận nhân tạo hiện nay là 460.000 đồng/lần, nếu tính đủ chi phí sẽ tăng từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hay giá khám bệnh, hiện chỉ có 20.000 đồng, nếu tính đủ chi phí phải ở mức từ 80.000-100.000 đồng. Tương ứng, giá chụp CT từ 500.000 đồng sẽ tăng lên 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Chủ trương tính đúng, tính đủ viện phí cũng là vì người bệnh, hướng tới phục vụ người bệnh tốt hơn. Khi tính đúng, tính đủ chi phí, bắt buộc BV phải tự chủ về tài chính, đây là một áp lực rất lớn đối với các BV. Khi tự chủ về tài chính, các BV bắt buộc phải nỗ lực nâng cao dịch vụ, chất lượng y tế để tăng lòng tin của người bệnh. Nếu người bệnh không tin tưởng, không đến BV để khám đồng nghĩa với việc BV không có tiền để trang trải y tế. Khi đó các BV buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ để có được bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn T. (43 tuổi, ngụ Hà Nội):
Quá lo lắng
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo quy định mới đang gây lo ngại cho người dân, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính phải điều trị lâu dài.
Tôi bị suy thận độ 4, đang chạy thận nhân tạo. Một năm qua, tôi phải cùng chi trả BHYT hơn 20 triệu đồng cho các chi phí trong quá trình lọc máu chu kỳ. Vì mới tham gia BHYT được 2 năm nên trong 3 năm tới, tôi sẽ phải tự thanh toán số tiền khoảng hơn 60 triệu đồng mới đủ điều kiện để quỹ BHYT chi trả số tiền lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Khi nghe tin điều chỉnh giá mới, những người mắc bệnh mạn tính phải sống phụ thuộc vào máy như tôi rất lo lắng.
Diệu Thu ghi