Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc bộ này vừa quyết định nhập khẩu vừa xây dựng các tiêu chuẩn, sản xuất, phân phối, ghi toa, bán thuốc thì chẳng khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong khi đó, Luật Dược hiện hành chỉ giao Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc khiến quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Quản lý giá theo thị trường
Trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi), Bộ Y tế đề xuất Chính phủ thống nhấtquản lý nhà nước về giá thuốc và bộ thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về giá thuốc. Cùng đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc cũng được phân chia cho Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ quản lý việc kê khai giá thuốc và nguyên tắc xem xét, công bố giá thuốc do các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu kê khai; triển khai các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá...
Nguyên tắc quản lý giá thuốc thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốctheo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá khi lưu hành thuốc trên thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước.
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, dự thảo còn đưa ra nhiều biện pháp quản lý giá thuốc để bảo đảm cung ứng đủ thuốc chất lượng và người bệnh được sử dụng thuốc với chi phí hợp lý nhất.
“Hiện cả nước có hơn 40.000 nhà thuốc bán lẻ. Giá thuốc tại các cơ sở này phải được niêm yết công khai trên hộp để người mua biết và so sánh giá giữa các nhà thuốc. Ngoài ra, giá mua vào của các nhà thuốc không được vượt mức giá bán buôn của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu kê khai và được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược. Tại các nhà thuốc bệnh viện, giá bán lẻ thuốc được quản lý chặt chẽ hơn qua việc áp dụng quy định về thặng số bán lẻ với mức 5%-20% theo trị giá thuốc mua vào” - ông Cường dẫn chứng.
Khuyến khích thuốc nội
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Dược với mục tiêu vì người bệnh” tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng sau 10 năm có hiệu lực, Luật Dược đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận và sử dụng thuốc có chất lượng, giá hợp lý. Tuy nhiên, vì phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài (do có hơn 50% thuốc thành phẩm và 90% nguyên liệu thuốc phải nhập khẩu) nên công tác quản lý giá thuốc, quản lý sản xuất thuốc và thuốc nhập khẩu còn nhiều bất cập.
Do đó, Luật Dược (sửa đổi) sẽ phải bảo đảm quản lý để khuyến khích thuốc sản xuất trong nước. Trong đó, với thuốc mua từ vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế…, dự thảo luật quy định không chào thầu loại nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu điều trị, giá cả và khả năng cung cấp.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Bradley Silcox, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm (Pharma Group) Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng luật, nghiên cứu thị trường và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh dược phẩm. Mục tiêu là sửa đổi Luật Dược để làm sao bảo đảm quyền sử dụng thuốc chất lượng, giá hợp lý của người dân.
Luật Dược thực hiện trong 10 năm qua đã chứng minh việc quản lý giá thuốc của cơ quan liên ngành là có hiệu quả. Thuốc được cung ứng đầy đủ với chất lượng gắn với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân, không còn hiện tượng “sốt” giá như giai đoạn từ năm 2005 trở về trước.
“Điều này thể hiện ở việc thị trường dược phẩm duy trì bình ổn với chỉ số giá của nhóm hàng dược phẩm thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng chung, đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, bất hợp lý” - ông Cường nhấn mạnh.
Việt Nam sản xuất được thuốc chữa ung thư
Theo Cục Quản lý Dược, từ chỗ cả nước chỉ có khoảng 50 cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP ASEAN, đến nay, số lượng cơ sở sản xuất thuốc đạt WHO-GMP (tiêu chuẩn thực hành thuốc tốt) là 142 với 154 nhà máy. Trong đó, một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thuốc đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các nước phát triển.
Bên cạnh đó, thuốc sản xuất tại Việt Nam ngày càng đa dạng về dạng bào chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân. Nếu năm 2005, thuốc sản xuất trong nước chỉ có hơn 300 hoạt chất thì đến nay, nhóm thuốc sản xuất trong nước chứa khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả các thuốc điều trị ung thư, chống thải ghép.